==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

hành trình Mien Tay- Đua bò là môn thể thao cổ truyền mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ dịp lễ Dolta hằng năm; đồng thời tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc đang sinh sống nơi vùng núi Thất Sơn hùng vĩ. Lễ Dolta được tổ chức nhằm cầu phước cho các linh hồn thân nhân đã khuất. Riêng ở vùng 7 núi có hội đua bò theo thể thức truyền thống của người Khmer, thu hút đông đảo khách thăm quan trong và ngoài nước.

Đua bò có từ thuở xa xưa, khi vào mùa vụ, bà con trong phum, sóc thường đến cày ruộng cho chùa và đổi công giúp nhau. Các đôi bò kéo bừa được chủ nhân rủ nhau đua trên nền ruộng. Hay khi bò kéo lúa về nhà, các chủ bò cũng rủ nhau đua. Trước đây, mỗi cuộc đua bò thường được sư cả của ngôi chùa trong vùng đứng ra tổ chức. Đôi bò thắng được vinh quang đeo dây cà tha, vòng lục lạc.

Đến Lễ Hội Dolta Xem Đua Bò Bảy Núi - Ảnh 1

Từng đôi bò diễu hành trước giờ đua

Đến Lễ Hội Dolta Xem Đua Bò Bảy Núi - Ảnh 2

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các chủ bò trước giờ đua

Hội thi đua bò Bảy Núi năm nay được tổ chức tại chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Trường đua là một thửa ruộng dài 160m, ngang 60m. Người xem bao quanh bốn phía như ở sân bóng đá. Đường đua dài 120m, còn lại hai đầu 40m là khoảng cách an toàn cho bò xuất phát và dừng lại tại điểm đích. Cặp bên là thửa ruộng nhỏ, là nơi bò chuẩn bị trước khi vào đua. Người cầm vàm điều khiển đôi bò đua gọi là “tài xế” (cách gọi của đồng bào Khmer Nam bộ gọi người điều khiển bò đua). Đôi bò phải kéo theo chiếc bừa cây và người tài xế đứng trên đó điều khiển. Đua từng cặp 2 đôi, đôi trước đôi sau tùy theo thỏa thuận hoặc bốc thăm. Với những chiếc lục lạc vàng ánh, chiếc ách sơn phết đẹp mắt, cặp sừng nhỏ nhắn khoác áo bông sặc sỡ, các đôi bò được bắt cặp chờ vào vòng đua. Sau hai vòng hô làm nóng, tới điểm phất cờ là cặp bò đua (con trước, con sau chứ không chạy song song) bước vào vòng thả. Đoạn thả quyết định phân thắng bại chừng hơn 100m, nếu đôi trước bị đôi sau đạp lên bừa hay qua mặt là đôi sau thắng. Cuộc đua cứ vậy, hết đôi này đến đôi khác, đạp tung nước, đuổi nhau trong màn mưa, trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả.

Đến Lễ Hội Dolta Xem Đua Bò Bảy Núi - Ảnh 3

Tranh về đích

Đến Lễ Hội Dolta Xem Đua Bò Bảy Núi - Ảnh 4

Sân đua bò

Theo những người sành điệu, hấp dẫn nhất của đua bò chính là ở vòng hô. Tuy các đôi bò chạy chậm, nhưng đó là lúc thể hiện tài năng của người điều khiển đôi bò. “Tài xế” nào “cứng cựa” điều khiển cho đôi bò của mình làm đôi bò đối thủ hoảng loạn chạy “tạt” ra ngoài vòng đua sẽ đoạt vé vào vòng trong. Cứ vậy, từ hơn 40 đôi, loại dần còn 4 đôi vào tranh nhất, nhì, ba, tư.

Trong quá trình huấn luyện, để bò hiểu được ý chủ, lúc nào chạy nhanh lúc nào chạy chậm, khi nào thì vọt nhanh, lúc nào đạp bừa đôi trước, cách bám đường đua và nghệ thuật chặt cua nhưng vẫn giữ tốc độ, không chạy ra ngoài vòng đua là tài điều khiển và bí quyết riêng của từng “tài xế”.

 

Trước lễ hội một tháng, đôi bò đua được chăm sóc với một chế độ dinh dưỡng đặc biệt: tắm rửa, lau khô mình bằng những chiếc khăn bông mềm mại, uống nước dừa tươi, cho bò ăn cháo, uống hột gà nhằm đảm bảo sức dẻo dai trong suốt những chặng đua.

 

Đi xem lễ đua bò, khách thăm quan không những được chứng kiến một môn thể thao độc đáo, hấp dẫn mà còn có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Bảy Núi xinh đẹp và hùng vĩ. 

 

Đến Lễ Hội Dolta Xem Đua Bò Bảy Núi

Đến Lễ Hội Dolta Xem Đua Bò Bảy Núi
85 9 94 179 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==