Không ai nhớ cây cà na có từ bao giờ, nhưng với người dân quê tôi, cà na là người bạn gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ. Những món ăn chế biến từ trái cà na không cầu kỳ nhưng đã trở thành hương vị quê nhà gợi nhớ trong lòng những người con xa quê mỗi khi mùa nước nổi về.
Bạn ơi, bạn à
Bạn ăn thịt gà
Bạn ị hổng ra
Bạn ăn cà na
Bạn cười ha ha”…!
Hàng năm, cứ vào độ giữa mùa mưa là cây cà na lại lác đác ra bông. Bông cà na búp có màu xanh lợt, khi nở có màu trắng. Nhìn từ xa, bông cà na như những bông tuyết lấm tấm. Đến mùa nước nổi, những bông tuyết li ti ấy sẽ trở thành những chùm trái căng tròn. Trái cà na có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay người lớn. Trái non có màu xanh, đến lúc chín ngả sang màu vàng lợt.
Cà na là loại cây mọc hoang dọc theo các mé sông quê. Dáng cây không bao giờ mọc thẳng mà hơi nghiêng về phía dòng sông, trái hình bầu dục và nhỏ bằng ngón tay cái, ăn có vị chua chua, đăng đắng. Cà na ăn sống không ngon nên người ta thường ngào với đường
Cà na như là một thứ hồn quê khiến cho những ai đi xa phải nhớ, phải luyến lưu. Chính loại cây trái dân dã này đã níu kéo bước chân quay về của biết bao người con xa xứ
Chiều nay, đi giữa cơn mưa chiều "nổi nuớc" giữa lòng phố thị, chợt nhớ đến quê tôi mùa này có lẽ bông điên điển đang trổ vàng dọc bờ sông, còn cây cà na già cỗi bên cầu ao chắc cũng đang kết trái. Mẹ tôi, bà ngọai nuôi tôi nay đã khuất xa, nhưng hình bóng của họ vẫn sống mãi trong hòai niệm của tôi qua câu ca dao bình dị mà rất thân thuơng:
"Xứ đâu là xứ quê mùa
Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”