Đến với Trà Vinh khách thăm quan sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của hơn 140 ngôi chùa của cộng đồng người Khmer, bên cạnh 50 ngôi chùa của người Việt (Kinh) và 5 ngôi chùa của cộng đồng người Hoa. Các chùa nổi tiếng gồm có chùa Âng, chùa Cò, chùa Hang... Các Chương trình Miền Tây của công ty VietSense sẽ giúp cho Lữ khách được trải nghiêm đời sống văn hóa vô cùng đặc sắc nơi đây.
Chùa Hang
Chùa Hang thuộc khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm thị xã Trà Vinh 5km về hướng nam. Là ngôi chùa Khmer cổ, toạ lạc trên mảnh đất rộng 10 ha, có nhiều cây cổ thụ và là nơi hội tụ của nhiều loại chim. Chùa Hang là một trong những chùa đẹp nhất ở tỉnh Trà Vinh.
Từ thị xã Trà Vinh đi 5km theo hướng nam (thuộc khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) qua cống ngăn mặn Tầm Phương khách thăm quan sẽ đến chùa Hang. Khuôn viên chùa rộng, một nửa diện tích là rừng tự nhiên, cây cao rậm rạp, là nơi hội tụ của nhiều loài chim. Cổng chính hướng ra phía bờ sông, cổng phụ xây dựng vòm cuốn, tường rất dày. Hai bên cổng chính là hai tượng Yak to bằng người thật. Yak là chằn tinh, mắt lồi, nanh dài, mặc áo giáp, cầm gậy, rất hung ác nhưng được Phật cải hóa, cho làm bảo vệ.
Vai trò của chùa trong sóc (làng) rất quan trọng, nhà chùa đảm nhiệm phần giáo dục đạo đức và bảo tồn truyền thống văn hóa nghệ thuật. Thanh niên Miên có vài năm tu ở chùa mới kể như thành nhân, một điều kiện để dễ kiếm vợ. Trong khuôn viên chùa có trường học cho trẻ em rất qui mô. Trong chùa còn có khoảng hai chục nhà sàn nhỏ, mỗi nhà chỉ vừa đủ chỗ cho một người, là nơi để đàn ông Miên vào mỗi người một nhà, ở lại cả tháng để cầu nguyện và làm trong sạch linh hồn.
Sân Chùa Hang trước kia có đàn dơi đông vô kể, Tết Mậu Thân (1968) một quả bom rơi trúng chùa, 62 người chết, 57 người bị thương, chùa hư hại nặng, đàn dơi khiếp đảm bay mất. Ngày nay đàn cò đã trở về cả ngàn con, mỗi chiều đậu trắng cây, có ngày chùa nhặt vài chục cò con, các sư nuôi cho cứng cáp rồi thả. Chỉ riêng đàn dơi là mất tích hẳn.
Chùa Âng
Chùa cách Trung tâm thị xã Trà Vinh 7km, ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của ao Bà Om. Chùa toạ lạc trên khu đất rộng 4ha, thuộc phường 8, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh Chùa Âng là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. Chùa có kiến trúc cổ, độc đáo, hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên. Chùa Âng đã được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích văn hoá của quốc gia.
Chùa Âng là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. Chùa có kiến trúc cổ, độc đáo, hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên.
Cổng chùa được trang trí tượng chằn, tiên nữ, chim thần theo mô - típ truyền thống, chùa Âng có hào nước sâu bao bọc xung quanh và một tháp năm ngọn. Đây là nơi lưu giữ tro xương các vị trụ trì đã qua đời. Theo truyền thuyết, chùa Âng được xây dựng vào cuối thế kỷ 10. Nhưng qua sổ sách lưu lại, kể từ vị trụ trì đầu tiên, ngôi chùa có trước năm 1715, được trùng tu năm 1842. Nền chùa Âng cao 2m gồm 2 bậc. Rộng nhất là ngôi chính điện, nơi tập trung các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Cửa chùa mở về hai hướng đông và tây. Bên ngoài, trên đầu sáu cây cột trước chính điện, có chạm khắc hình tiên nữ, chim thần. Mái chùa lợp ngói, có ba tầng, được chống đỡ bởi 12 cột bằng gỗ quý, mái trên cùng dốc và cao hơn hai mái kia. Mỗi đầu hồi được đóng kín bằng một tấm gỗ hình tam giác, chạm khắc hình vị chủ thiên đội mâm và hoa hướng dương tinh xảo. Các diềm mái có hình rồng cách điệu, đầu chúc xuống, thân soãi theo dốc mái. Các vẩy uốn cong ngược lên làm cho dáng mái chùa như cao hơn.
Bên trong chính điện là gian phòng thờ Phật Thích ca, cũng là nơi tiến hành các nghi thức tôn giáo của Phật giáo Nam tông. Bệ thờ Phật rộng gần 30m² gồm bốn bậc. Tượng Phật chính cao 2,1m. Xung quanh có 50 tượng Phật khác nhỏ hơn (bằng đá hoặc gỗ). Ba phía vách chính điện có hàng chục tranh vẽ cuộc đời đức Phật. Trần chính điện được trang trí bốn bức bích họa lớn theo chủ đề: Phật đản sinh, xuất gia, đắc đạo, nhập niết bàn.
Với ưu thế giao thông thuận lợi, chùa Âng lại nằm liền kề Nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer và ao Bà Om, tạo thành một quần thể di tích thu hút nhiều Lữ khách đến tham quan.
Chùa Nôdol
Chùa Nôdol thuộc ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cách thị xã Trà Vinh khoảng 40 km về phía nam.
Còn gọi là chùa Cò hay chùa Giồng Lớn. Đây là ngôi chùa cổ to lớn có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hoá Khmer ở Trà Vinh, bao gồm cổng chùa, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội.
Khu vực chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như Riehu, thần 4 mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt... Chùa được bao bọc bởi những rặng tre, hàng cây sao, dầu. Người dân quen gọi là chùa Cò vì hơn một trăm năm nay khuôn viên chùa (khoảng 3 ha) đã là nơi cư trú của hàng ngàn con chim các loại như: cò, cồng cộc, bồ câu... trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại: cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen...
Ngoài ra khách thăm quan còn được đắm chìm trong làn nước mát, được ngắm cảnh hoàng hôn trên biển hay bình minh vừa ló dạng, mắc võng nằm nghe rừng dương rì rào cùng gió biển... của biển Ba Động
Bãi biển Ba Động
Thuộc địa phận xã Trường Long Hoà, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 55km. Biển Ba Động được khai thác từ rất sớm. Trước đây, người Pháp đã cho xây trên bãi biển đẹp nhất của Trường Long Hòa một khu nghỉ mát để thường xuyên đến nghỉ và tắm biển.
Biển Ba Động đẹp bởi vẫn còn giữ được nét hoang sơ với cát trắng nước trong, không khí trong lành và yên tĩnh.
Nơi đây có những đụn cát "nhấp nhô", với những hàng phi lao xanh vút và bãi cát phẳng lì trải dài đầy hấp dẫn. Nhiều công trình, hạng mục, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư phục vụ cho việc khai thác tiềm năng chương trình ở biển Ba Động như cầu Long Toàn, Kinh Xáng, bãi Đồn, phà Láng Chim... thưởng thức nhiều loại sản vật đã trở thành đặc sản của vùng quê ven biển này như dưa hấu Ba Động, nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, đuôn Chà là, cá Kèo kho gợt – Chù ụ rang me, nước mắm Rươi....
Ao Bà Om
Ao Bà Om thuộc xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nằm dọc theo quốc lộ 53, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 7km về hướng tây nam. Ao Bà Om còn gọi là ao Vuông vì có hình vuông khá chuẩn, mỗi cạnh áng chừng 200m. Mặt nước ao trong và phẳng lặng.
Ao Bà Om có hình chữ nhật với chiều dài 500 mét và chiều rộng 300 mét. Mặt ao phẳng lặng, trong xanh, soi bóng những hàng cây cổ thụ bao quanh. Trải qua bao mưa gió, bộ rễ của những cây cổ thụ xung quanh ao lồi lên trên mặt đất và được thiên nhiên tác tạo thành những hình thù lạ mắt.
Ở đó Lữ khách không đơn thuần chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên mà còn được cảm nhận rõ nét hơn những giá trị văn hoá đặc sắc của vùng đất Trà Vinh qua câu chuyện truyền thuyết mang đậm màu sắc Khmer Nam bộ…
Ao Bà Om mát mẻ, trong lành và yên tĩnh suốt cả ngày, không gian chỉ chợt xao động lên vào lúc chiều tà, khi những đàn cò bay về tìm chỗ ngủ.
Bên cạnh ao là ngôi chùa Âng, ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh được xây dựng từ năm 990, và Bảo tàng văn hoá Khmer cũng được đặt ở đây. Quần thể “bộ ba”: ao Bà Om, chùa Âng và Bảo tàng văn hoá Khmer được xác định là địa điểm khám phá hàng đầu trong chiến lược Phát triển Lữ Hành của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.