Lễ Cholchnam Thmay là tết cổ truyền của người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lễ diễn ra vào năm mới nên còn gọi là “Lễ chịu tuổi”. Lễ tính theo Phật lịch, kéo dài 3 ngày và thường diễn ra trong khoảng tháng 4 dương lịch hàng năm (Tức vào khoảng 13, 14, 15 tháng 3 âm lịch.
Nếu năm nào rơi đúng vào năm nhuận thì ngày bắt đầu của lễ hội lùi lại 1 ngày). Đây là một trong những lễ hộ được cư dân Khmer ở các tỉnh như Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh chờ đón nhất. Thời gian này, khi mọi việc đồng áng xong xuôi, người dân rảnh rỗi nên thỏa sức vui chơi, ăn tết. Nhà nào cũng có bánh ngọt, bánh tét, hoa quả và hương đèn dâng lên chùa lễ Phật. Lễ Cholchnam Thmay có các nghi thức quan trọng thường diễn ra trong chùa. Cholchnam Thmay cũng được xem là lễ hội độc đáo ở miền Tây.
Trước đó, vào đêm Giao thừa, người Khmer cũng có làm lễ tiễn đưa vị thần Têvôđa năm cũ và rước vị thần Têvôđa năm mới về. Theo người Khmer, thần Têvôđa là một vị tiên do Trời sai xuống coi sóc dân chúng trong vòng 1 năm. Và cứ vào mỗi năm mới thì lại thay thế bởi một vị thần Têvôđa khác. Người Khmer cũng xem thời khắc Giao thừa là ngày lành, tháng tốt, thời khắc tốt nhất trong năm. Giống như Tết Nguyên đán của cộng đồng người Kinh, lễ Cholchonam Thomay được xem là những ngày Tết, giữ được nhiều nét văn hóa tốt đẹp và thể hiện đậm đà tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng người dân Khmer. Nếu Lữ khách đi thăm quan miền Tây vào dịp này, sẽ có cơ hội quan sát và tìm hiểu nhiều điều thú vị từ lễ hội. Lễ gồm 3 ngày gồm ngày thứ nhất gọi là ngày "Chôl Sangkran Thmây", ngày thứ hai gọi là "Wonbơt" và ngày cuối gọi là ngày "Lơn Săk".
Ngày thứ 1 mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Sangkran. Buổi tối, trai gái trong phum, sóc tụ tập về sân chùa, tham gia các sinh hoạt vui chơi giải trí, múa dù-kê, rồ-băm, múa lâm-thôl, thả đèn gió...
Ngày thứ 2, mọi người làm lễ dâng cơm các sư sãi ở chùa. Buổi chiều, người ta tổ chức làm lễ đắp núi cát. Ai cũng tìm cho mình nắm cát sạch đem đến chùa đổ thành đống quanh đền thờ Phật, bên ngoài hành lang trước sân chùa. Sau đó là phần lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể. Toàn bộ nghi lễ này người Khmer gọi là Anisong Puôn Phnom khsach nghĩa là "Phúc duyên đắp núi cát". Tập tục này hiện nay vẫn còn lưu giữ.
Ngày thứ 3 là ngày lễ tắm sư. Người ta dùng nước tinh khiết có ướp nước hoa cùng nhang đèn cúng Phật, sau đó dùng nhành hoa vẫy những giọt nước lên tượng Phật. Lễ xong thì người ta tiến hành tắm cho các nhà sư cao niên trong chùa. Sau đó là đến các ngôi tháp có chôn hài cốt, các nghĩa trang để làm lễ cầu siêu cho các vong linh đã mất. Cuối cùng là lễ tắm tượng Phật tại gia. Sau ba ngày lễ tết, mọi sinh hoạt của đều trở lại bình thường và người Khmer lại bước vào một mùa vụ mới.