==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Lễ Tục Tống Gió Tống Ôn là một lễ tục có từ lâu đời ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nó gắn liền với các nghi thức trai đàn, cúng cô hồn cũng như gắn với một số lễ tục khác nên nó rất phổ biến ở vùng nông thôn Miền Tây trước đây Lễ tục này có từ những buổi đầu khai hoang mở cõi, khi mới bắt đầu định hình chợ búa xóm làng.

Lịch sử Miền Tây phần 3 thời kỳ sau năm 1990 Lịch sử Miền Tây phần 3 thời kỳ sau năm 1990

Lễ Tục Tống Gió Tống Ôn là một lễ tục có từ lâu đời ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nó gắn liền với các nghi thức trai đàn, cúng cô hồn cũng như gắn với một số lễ tục khác nên nó rất phổ biến ở vùng nông thôn Miền Tây trước đây Lễ tục này có từ những buổi đầu khai hoang mở cõi, khi mới bắt đầu định hình chợ búa xóm làng. Lúc bấy giờ, sơn lam chướng khí còn nhiều, ao tù nước đọng, muỗi mồng, rắn rết khắp nơi, những bệnh thông thường cũng có thể gây tử vong cho con người. Chẳng những vậy, có những bệnh còn lây truyền sang nhiều người, dẫn đến những trận đại dịch.

Lễ Tục Tống Gió Tống Ôn Ở Miền Tây

Bất lực trước hoàn cảnh, họ cho rằng những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những người “khuất mặt khuất mày” gây ra nên làm lễ cúng cầu các vị ấy, mong cuộc sống bình an đến với gia đình mình, làng xóm mình. Và như thế, Lễ tống ôn – tống gió ra đời. Lễ tống ôn – tống gió được tổ chức không đồng nhất giữa các địa phương. Có nơi chọn ngày 15, 16 tháng Giêng Âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, hoặc 15 tháng 7 Âm lịch, nhưng đa số chọn ngày 19 tháng Giêng Âm lịch. Giờ giấc cúng ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Có nơi chọn đêm khuya, có nơi chọn giờ Ngọ (12g trưa), có nơi lại chọn 6 giờ chiều… Dù chọn giờ nào, ngày nào thì Lễ tống ôn – tống gió cũng phải gắn với các nơi thờ tự như chùa, miễu…

Để chuẩn bị cho buổi lễ này, người ta đã phân công công việc như làm thuyền, chuẩn bị vật phẩm cúng thần, chỉ định những người phụ giúp cuộc lễ. Trước khi hành lễ, người ta đem tất cả các vật phẩm đến cơ sở thờ tự để làm lễ ra mắt thần và cũng là để cho thần chứng giám. Thông thường, người ta đặt chiếc thuyền tống ôn – tống gió ngay giữa sân của nơi thờ tự, ngay gian chính điện, mặt hướng ra sân. Chiếc thuyền này được làm rất công phu từ nhiều ngày trước. Đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó có khung thuyền làm bằng tre trúc, xung quanh thân thuyền được dán giấy màu đủ loại để tạo sự kín đáo và cũng làm đẹp thêm cho chiếc thuyền. Trên thuyền còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo thuyền, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dành cho những người nghèo ở cõi âm. Bên hông thuyền có ghi ngày tháng năm cúng, xung quanh thuyền và trên buồng lái có treo cờ, kết dây, trang trí hoa màu rất hoành tráng. Thuyền tống ôn – tống gió có chiều cao khoảng hai thước, dài gần hai thước rưỡi, ngang khoảng nửa thước. Kế chiếc thuyền là một bàn hương án được đặt hướng về chính điện của nơi thờ tự cùng nhiều lễ vật để cúng như gà luộc, gạo, muối, bánh, trái cây và mấy lá bùa trừ tà. Đến giờ hành lễ, những người chịu trách nhiệm trong cuộc lễ đứng trước gian chính điện của nơi thờ tự thắp nhang khấn vái các vị thần. Sau đó, đoàn lân múa ra mắt thần – một dạng múa trình lễ. Xong đâu đó, người chỉ huy cuộc lễ ra lệnh khiêng thuyền đi. Bốn thanh niên, mỗi người một góc, nâng thuyền lên đưa thuyền lên xe để tuần hành qua các khu phố. Đi đầu là người chỉ huy cuộc lễ, kế đến là đoàn lân, rồi thuyền tống ôn – tống gió, sau cùng là chiếc xe ba gác dùng để đựng các vật phẩm mà cư dân quanh vùng cúng. Cả khu phố nhộn nhịp hẳn lên, gia đình nào cũng đặt một bàn cúng trước nhà. Trên bàn cúng gồm có bánh men, gạo, muối và một ít tiền. Cạnh bàn cúng là một cái cà ràng đỏ rực than, được gia chủ cho vài nắm muối hột vào. Tiếng muối nổ đôm đốp khắp hang cùng ngõ hẻm, khói trong lò than bay nghi ngút. Người xem đông như trẩy hội. Tiếng trống, tiếng chiêng vang dội càng thôi thúc thêm nhiều người đến xem. Đoàn xe tống ôn – tống gió có nhiệm vụ đi khắp khu phố, đến những nhà có đặt bàn thờ cúng để lấy tiền, lấy gạo, muối… Xong xuôi, đoàn quay trở lại nơi thờ tự làm lễ cáo yết thánh thần để chuẩn bị cho cuộc hạ thủy con thuyền.

Đến giờ đã định, người ta lại đưa con thuyền tống ôn – tống gió trở ra sân, khiêng xuống bờ sông, đặt lên một chiếc ghe, chạy đến ngã ba sông, sau đó để vào con thuyền một ít tiền lẻ, bánh, gạo, muối, thịt heo hoặc gà, vài lá bùa rồi thả nó ra giữa dòng nước để nó đem theo những điều xui rủi, tai ương của xóm làng, khu phố về một nơi vô định nào đó.

Ngày nay, Lễ tống ôn – tống gió không còn phổ biến như xưa, chỉ còn một ít địa phương tổ chức. Nhưng dù sao, nó cũng là một lễ tục có từ lâu đời của người dân nơi đây, và nó có một ý nghĩa nhất định về mặt tâm linh của con người. Đó là mong muốn đem đi những điều xui xẻo, bệnh tật, được tai qua nạn khỏi, hướng tới một cuộc sống an lành và hạnh phúc.

Lễ Tục Tống Gió Tống Ôn

Lễ Tục Tống Gió Tống Ôn
73 8 81 154 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==