==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Sống trong “vương quốc” của cá đồng nên nghề cá là một trong những nghề lâu đời nhất và gần gũi nhất của người dân Đồng Tháp Mười. Ngay từ những ngày đầu mới định cư, họ đã sớm nhận ra rằng “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, hiểu là thứ nhất khai thác rừng, thứ hai khai thác cá tôm.

Con cá gắn bó với người dân đi khai hoang đến mức đã trải qua mấy trăm năm nhưng hôm nay lễ vật cúng việc lề17 của phần lớn các tộc họ ở Đồng Tháp Mười vẫn là cháo ám (cháo cá), cá lóc nướng trui, gỏi cá, mắm (cá) sống, mắm nêm,v.v., tức là đều có yếu tố cá. Nguyễn Hữu Hiếu còn ghi lại được bài thơ “Cổ lệ việc lề” của họ Nguyễn Công ở Cao Lãnh như sau:

Văn hóa nghề cá - Đồng Tháp Mười - Cúng việc lề

Gỏi ghém đầy đủ canh cơm,
Mắm chưng, rau luộc nhớ đơm mâm này.
Cá lóc một cặp sẵn đầy,
Đánh vẩy cho sạch, vi kì để nguyên.
Khứa tư ra tám khúc liền,
Phân dọn thứ tự nối liền dài ra.
Một con chia cúng trong nhà,
Con nữa nhớ dọn ghế dài ngoài sân.

Văn hóa nghề cá - Đồng Tháp Mười - Thờ Đại Càn

Nghề cá gắn bó thiết thân với người dân Đồng Tháp Mười đến nỗi hầu hết các đình làng ở Đồng Tháp Mười ngoài việc thờ Thành hoàng Bổn cảnh còn kết hợp thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần vốn là Phúc Thần của nghề đi biển và được đồng hóa với Ngư Thần bảo hộ nghề đánh cá. Theo sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên biên soạn thời Trần: Năm 1279, quân Mông Cổ đuổi nhà Nam Tống đến tận Nhai Sơn (Quảng Đông). Bốn vị công nương bị sóng gió lật úp thuyền chết đuối, xác trôi dạt vào cửa Cờn ở Nghệ An. Khi dân ta gặp được thì thấy có hai con rái cá chầu hai bên xác của bốn vị này. Dân làng bèn chôn cất tử tế và lập miếu thờ, rất linh ứng. Hai con rái cá cũng được thờ chung với tứ vị thánh nương này. Từ đó tứ vị thánh nương trở thành phúc thần của nghề đi biển và mở rộng ảnh hưởng đến tận Đồng Tháp Mười với tư cách Ngư Thần. Ở Đồng Tháp Mười, Lang lại (hay Lang thát) Nhị đại tướng quân (chính là hai con rái cá) được thờ chung với Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần.

Đến khoảng giữa năm 1846, khu vực các huyện Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho, Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) hiện nay, mỗi làng được vua Thiệu Trị ưu tiên cấp 2 đạo sắc Bổn cảnh Thành hoàng và 2 đạo sắc Phúc Thần (chính là thần Đại Càn). Điều này thật dễ hiểu bởi vì đây chính là vùng trọng điểm khai thác cá của Đồng Tháp Mười. Thần Đại Càn thường được thờ trong đình, nhưng cá biệt có nơi thờ ở miễu, dân gian quen gọi là miễu Ngư Thần, chẳng hạn ở thôn Mỹ Xương (Cao Lãnh) hay Xóm Đệm (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).

Hết phần 1.

Văn hóa nghề cá - Đồng Tháp Mười phần 1

Văn hóa nghề cá - Đồng Tháp Mười phần 1
81 8 89 170 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==