Các lễ hội truyền thống trong dân gian Nam Bộ đã được hình thành và phát triển theo tiến triển hình thành và phát triển của nền kinh tế. Một đặc trưng quan trọng của văn hóa dân gian Nam Bộ là Lễ Tế nông nghiệp, mà chủ yếu là nghề trồng lúa nước của người Nam Bộ. Do đó các lễ hội truyền thống đã gắn chặt với sinh hoạt tinh thần của mỗi người dân Nam Bộ.
Các lễ hội truyền thống trong dân gian Nam Bộ có những nét độc đáo và bản sắc riêng không giống với cáclễ hội cổ tryền của Bắc Bộ. Nếu có nhà dân gian học nào cho rằng « Lễ hội cổ truyền trong dân gian Bắc Bộ mới đáng nghiên cứu vì nó đã có lịch sử từ mấy ngàn năm » thì quả thật sai lầm.
Các lễ hội truyền thống trong dân gian Nam Bộ tuy mới hình thành và phát triển trong vòng 300 năm nay, nhưng đã hội tụ được những nền văn hóa Đồng Nai, văn hóa Óc Eo, văn hóa Anglor-Óc Eo và văn hóa Đại Việt của suốt hơn 4000 năm lịch sử nên nó đã mang một sắc thái hợp chủng, đa văn hóa mà không thể tìm thấy được trong các lễ hội truyền thống miền Bắc.
Để minh chứng cho kết luận trên, chúng tôi xin mời độc giả đọc qua các lễ hội cổ truyền trong dân gian Nam Bộ được trình bày sau đây.
Lễ Hội Kỳ Yên
Lễ hội Kỳ Yên còn gọi là lễ hội cúng đình hay hội làng truyền thống. Tùy hoàn cảnh của từng địaphương mà quyếtđịnh thời gian tổ chức lễ hội, nhưng thông thường từ rằm tháng giêng đến rằm tháng ba âm lịch.
Nghĩa là lễ hội chỉ diễn ra trong mùaxuân, mùa màng đã thu hoạch xong, thời tiết khô ráo, quang cảnh tươi đẹp, việc đi lại thuận tiện để toàn thể dân làng đều có thể tham dự. Có một số nơi tổ chức vào ngày rằm tháng 2 hay tháng 3, nhưng cũng có địa phương tổ chứcthành hai lễ hội : Lễ Xuân Tế (Hạ điền) và Lễ Thu Tế ( Thượng điền).
Lễ Hội Kỳ Yên diễn ra ở nơi tiêu biểu nhứt là đình làng, nơi thờ các vị thần Thành Hoàng là vị thần chính của đình làng, vì theo quan niệm dân gian thì Thần Hoàng là vị thần được Thượng Đế giao cho trách nhiệm cai quản toàn thôn xã, che chở phù hộ cho dân sống bình yên, làm ăn phát đạt, thịnh vượng.Ngoài ra còn có thờ các vị thần khácnhư Thần Nông, Thổ Địa, Thổ Công, Thần Cây, Thần Rừng (Sơn Lâm), Thần Biển (Thủy Tướng), Bà Ngủ Hành, Bà Nương Nương…. Đặc biệt là thờ các vị thần Tiền Hiền và Hậu Hiền ( Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ). Đó là các vị có công Mang gươm đi mở cỏi phưoơg Nam, có công khai phá đất hoang, lập làng ấp, tạo dựng cuộcs1ông ban đầu ở miền đất hứa. Các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền được dân gian tôn là Phúc Thần (thần tượng nầy không có ở đình làng Bắc Bộ).
Qui mô tổ chức Lễ Hội Kỳ Yên to hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi làng, đông dân hay ít dân, gặp năm trúng mùa hay thất mùa, nhưng thông thường diễn ra suốt 3 ngày 2 đêm, đáp ứng với nhu cầu vui chơi củadân làng sau một năm làm lụng vất vả, có thể xem như ngày Tết tập thể của cư dân nông nghiệp mang tính chất cổ truyền Đông phương.
Ngày đầu là lễ Túc Yết và lễ Tiền Vãng, tức là cúng tế các vị Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ,những người có công với đất nước như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Trung Trực, Thoại Ngọc Hầu, Châu Văn Tiếp, vv..(2). Chủ lễ là vị Chánh Bái có phụ tế và bồi lễ phụ giúp. Toàn bộ nghi lễ đều tiến hành theo lịnh của người thủ xướng đứng hai bên hương án kế vị chủ tế. Tất cả lễ nhạc, động tác dâng hương, dâng trà, dâng rượu, đọc văn tế, vái lạy đều phải đúng theo lời của người thủ xướng, do đó người thủ xướng là người hay chữ nhất trong làng, vì mới có thể thuộc lòng các điển lễ, tế tự theo các truyền thống lễ hội từ xưa. Trong buổi lễ,người thủ xướng được dân làng trọng vọng nhất. Đội học trò lễ (lễ sinh) mặc áo, đội mũ, mang hia theo kiểu các học sinh Tú tài ngày xưa. Trước đó họ đã được huấn luyện thuần thục cách đi đứng, biểu diễn, dâng lễ vật theo nhịp phách của dàn nhạc diễn tấu để cầu nguyện cho mưa thuận gí hòa, mùa màng tốt tươi. Trong lễ Túc Yết còn có 4 cô đào hát mừng thần trong lúc dâng rượu. Nếu đình làng có vị thần được vua sắc phong thì còn có lễ « mở sắc thần » được tổ chức vào giữa đêm thứ nhứt để nhớ công lao khai cơ lập nghiệp của các bậc tiền nhân.
Lễ Chánnh Tế được tiến hành vào giữa đêm thứ hai. Bài văn tế đọc trong buổi lễ nầy đã được soạn trước với nội dung ca ngợi Trời Đất và các thần linh. Người được cử đứng ra đọc văn tế để mở đầu buổi lễ chánh tế phải là một chức sắc trong làng (thường là Hương Văn). Vị nầu ăn mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, quỳ trước bàn hương án, hai tay nâng bản văn tế đưa lên dưới ánh nến soi rõ do hai phụ tế đứng hai bên cầm, rồi chậm rãi đọc với một giọng kính cẩn trang nghiêm trong nhạc đệm của dàn nhạc lễ. Việc hòa hợp chăt chẽ từng âm thanh trầm bỗng của nhạc lễ với giọng xướng trang nghiêm của người đọc văn tế là cái hồn văn hóa dân gian, trong đó chuyên chở cả một đức tin thiêng liêng của những người dân biết ơn tiền nhân, của các vị thần.
Sau hai ngày chánh lễ, bước sang ngày thứ ba là ngày hội. Ngày hội là ngày sôi động tươi vui nhất của ba ngày Lễ Chánnh Tế. Trong ngày hội, ai ai cũng đua nhau ăn mặc đẹp, trang điểm lịch sự, đi lại vui chơi, giao tiếp thân tình sau những ngày sáng đi tối về vì phải tay làm hàm nhai. Đây cũng là dịp trai đi tìm vợ, gái đến tuổi kén chồng có cơ hội gặp nhau để kết tình trao duyên. Đêm thứ ba, đêm của ngày hội là đêm mở đầu cho lễ « Xây-Chầu-Đại-Bội », tức lễ đánh trống cầu trời ban cho mưa thuận gió hòa (Xây chầu) và hát múa cầu cho bốn mùa an vui tươi tốt (Đại bội). Thông thường ở phần Đại bội, đoàn hát chọn năm diễn viên xuất sắc bao gồm nam nữ có giọng ca hay, múa giỏi để trình diễn, sau đó là một tuồng hát bội do cácbô lão trong làng chọn lựa, thường hát trong 3 đêm, có làng dồi dào tài chánh thì hát 5, 7 đêm. Cácgánh hát bội thường được mướn từ xa đến, và các tuồng hát thường là các truyện Tàu như San Hậu, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Mộc Quế Anh dâng công đầu Tống, Thoại Ba Công Chúa, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu…. Hát bội là truyền thống của Lễ Hội Kỳ Yên, không thể thiếu !
Kể từ hơn 50 năm nay, qua bao thăng trầm của lịch sử, nông thôn Nam Bộ biến động không ngừng, bởi chiến tranh, bởi chánh sách văn hóa độc tài, vô thần của nhà cầm quyền, đặc biệt từ sau tháng tư 1975, LHKY không còn giữ được truyền thống như cũ.
Lễ Hội Bà Chúa Xứ
Lễ Hội Bà Chúa Xứ hay còn gọi là Lễ Vía Bà tuy không phải là một lễ hội truyền thống phổ quát như lễ hội kỳ yên, nhưng lại là một lễ hội lớn nhứt ở Nam Bộ mang sắc thái thiêng liêng và ngày càng ăn sâu vào niềm tín ngưỡng không những của người dân Nam Bộ mà cho cả nước. Lễ Hội Bà Chúa Xứ tuy diễn ra ở một địa phương nhưng thu hút người cả nước tụ về đây như một cuộc hành hương về miền đất thiêng. Không phải chỉ có dân miền Tây Nam Bộ mà còn có người từ Saigon, Tây Ninh, thậm chí tận Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẳng, cả Hà Nội, Hải Phòng. Trong những ngày vào hội, suốt đoạn đường 7 km từ thị xã Châu Đốc đến núi Sam thật là « ngựa xe như nước, áo quần như nêm »
Bà Chúa Xứ là ai ? Tại sao Lễ Hội Bà Chúa Xứ lại thu hút con người mạnh mẽ như vậy?
Theo truyền thuyết dân gian miền Thất Sơn (An Giang) thì Bà Chúa Xứ là một nữ thần cai quản xứ Châu Đốc. Truyền thuyết kể rằng : Một đêm vào thời xa xưa, cách đây 200 năm, các bô lão vùng núi Sam đều nằm mộng thấy có một nữ thần xinh đẹp tự xưng là Bà Chúa Xứ Châu Đốc bảo họ hãy chọn 9 cô gái đồng trinh cho tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp rồi lên đỉnh Thiên Cấm Sơn (tức núi Cấm, ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn) để rước bà về lập đền thờ ngay chân núi Sam (ngọn núi nhỏ nằm bên cạnh núi Cấm) thì Bà sẽ phù hộ cho dân chúng an lành và làm ăn phát đạt. Sau đó, dân chúng vùng Vĩnh Tế(tức vùng núi Sam) họp bàn và thực hiện điều dặn như trong giấc mộng . Hiện nay, đền Bà Chúa Xứ nằm cách thị xã Châu Đốc 7km, trên đường Châu Đốc-Tịnh Biên, thuộc tỉnh An Giang. Tượng Bà Chúa Xứ bằng đá , ở tư thế ngồi, khuôn mặt phúc hậu,mắt nhìn thẳng phía trước.
Đền thờ BCX hiện nay là do vợ của Thoại Ngọc Hầu xây dựng. Nguyên dưới thời vua Minh Mạng, ông Nguyễn Văn Thoại được giao trọng trách trấn giữ biên cương Tây Nam, giáp giới với Lục Chân Lạp (sau đó ông được phong chức Hầu nên mới gọi là Thoại ngọcHầu). Lúc ấy, bọn « giặc cỏ » từ Cao Miên thường tràn xuống quấy phá nên Thoại Ngọc Hầu phải nhiều lần diều quân dẹp loạn. Lần nào đi đánh giặc là bà vợ của Thoại Ngọc Hầu cũng đều đến bàn thờ của Bà Chúa Xứ khấn vái , nên sau khi loạn lạc chấm dứt, để nhớ ơn Bà Chúa Xứ, vợ của Thoại Ngọc Hầu mới cho xây lại đền thờ Bà Chúa Xứ khang trang, to lớn hơn.
Lễ Hội Bà Chúa Xứ diễn ra hàng năm từ ngày 23 đến 27 tháng tư âm lịch, trong đó ngày chánh vía là ngày 25. Tiến trình lễ hội Bà Chùa Xứ được tổ chức như sau.
- Buổi lễ đầu tiên được cử hành vào lúc 0 giờ đêm 24 rạng 25 được gọi là lễ Mộc Dục (tức lễ Tắm Bà). Trước hết, 2 ngọn nến lớn ở trước tượng BCX được thắp sáng lên, rồi ông Chánh Bái trong áo dài khăn đóng chỉnh tề nghiêm trang bước đến chánh điện cùng các vị bô lão thắp nhang, dâng rượu, dâng trà và mời « Bà Chúa đi tắm ». Sau đó bức màn vải viền ren có thêu bông hoa sặc sỡ được kéo ngang qua bàn thờ để che kín tượng Bà. Một nhóm 4 cô gái đồng trinh đã được tuyển chọn bước vào trong màn, chuẩn bị tắm cho Bà Chúa. Họ lần lượt tháo mão, cởi áo đai để lộ toàn thân pho tượng vị nữ thần. Nước dùng để tắm cho Bà là nước thơm ngâm hoa lài, quế và pha thêm nước hoa, đựng trong một cái chaâu to bằng đồng. Các cô gái đồng trinh lần lượt « tắm Bà » bằng cách nhúng những chiếc khăn mới vào chậu nước thơm lau đi lau lại trên toàn thân bức tượng cho đến thật sạch, không còn một hột bụi mới thôi.
Khi tắm Bà xong, trước khi mặc áo, chít đai, đội mũ cho Bà Chúa, họ còn phun một loại nước hoa loại hảo hạng lên khắp mình Bà Chúa. Mũ, áo đai cũ phải vứt đi và chỉ dùng mũ, áo đai mới thay vào. Thường lễ « Tắm Bà Chúa » kéo dài chừng một giờ, và trong thời gian nầy, trong chánh điện chỉ có những phụ nữ, tay cầm hoa huệ trắng, quỳ hướng về Bà Chúa đang tắm, niệm kinh khấn vái. Sau khi tượng Bà Chúa đặt trở lại vị trí, sắp xếp lại các vật dụng trên bàn thờ, bức rèm hoa mới được mở ra, khách thập phương mới được vào chánh điện chiêm bái, dâng hương xin « Lộc Bà »
- Lễ thứ hai là « Chánh Tế » (còn gọi là lễ Túc Yết) được tổ chức vào nửa đêm 25 rạng 26, nhưng trước khi vào Chánh Tế phải tổ chức lễ « Thỉnh Sắc » ở lăng Thoại Ngọc Hầu. Từ chiều 24, một đoàn Thỉnh Sắc gồm các bô lão và Ban Quản Trị chỉnh tề trong lễ phục đi từ đền Bà Chúa Xứ đến lăng Thoại Ngọc Hầu, dẫn đầu có đội múa lân, tiếp sau là toán học trò lễ tay cầm cờ phiến đi hầu trước và sau chiềc kiệu Long Đỉnh sơn son thếp vàng để rướcsắcphong Thoại Ngọc Hầu do 4 người khiêng. Lễ Chánh Bái diễn ra theo trình tự từ nghi thức cúng lễ đến xây chầu. Khi vào phần cúng lễ, lễ vật gồm một con heo trắng (đã mỗ, cạo lông sạch sẽ, để thịt sống), một dĩa huyết heo có kèm theo một túm lông heo, một mâm trái cây, một mâm trầu cau và một dĩa gạo, muối. Sau khi dâng lễ vật cúng ngài Thoại Nhọc Hầu, ông chánh bái kính cẩn niệm hương, dâng rượu, đọc văn tế ca ngợi công đức của Ngài rồi khẫn cầu thỉnh sắc và bài vị của Ngài sang chánh điện của đền thờ Bà Chúa Xứ. Lễ Thỉnh Sắc phải hoàn tất trước khi trời tối. Sắc của vua phong cho TNH làm Thần và bài vị của Ngài được thỉnh lên kiệu Long Đỉnh và đoàn Thỉnh Sắc quay về đền BCX.
Tiếp sau đó là lễ « Xây Chầu » tại nhà Võ ca(nhà ngoài trước khi vào chánh điện). Sau khi làm lễ cầu nguyện Trời Đất thì 3 hồi trống lịnh nổi lên báo hiệu phần hát bội, trình diễn suốt đêm 26.
-Chiều ngày 27 là kết thúc Lễ Hội Bà Chúa Xứ bằng lễ « Hồi Sắc » tức là đưa sắc và bài vị của Thoại Ngọc Hầu trở về lăng theo nghi lễ giống như khi Thỉnh Sắc.
Xét cho cùng, Lễ Hội Bà Chúa Xứ thu hút mạnh mẽ khách hành hương từ tứ phương tụ về không phải vì thắng cảnh núi Sam, cũng không phải vì tính hiếu kỳ tìm hiểu di tích lịch sử có đền thờ Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phật Thầy Tây An, mà là chính vì niềm tin của người dân đối với sự linh thiêng của nữ thần.
Và thế giới tuy đã hiện đại khoa học, nhưng lòng người ly tán, con người trầm luân trong tật bịnh, khổ ải thì niềm tin tôn giáo, có khi như mê tín, dị đoan vẫn là sức mạnh tinh thần và tâm linh để con người tìm an ủi hay giải thoát .
Lễ Hội Lăng Ông Thượng
Lăng Ông Thượng tức là lăng của Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt, một công thần của nhà Nguyễn được xây cất tại khu vực Bà Chiểu (Gia Định) nên thường được gọi là Lăng Ông Bà Chiểu (nay thuộc xã Bình Hòa, quận Bình Thạnh, Saigon)
Đây là lễ hội lớn nhứt trong các lễ hội tưởng niệm các nhân vật lịch sử ở Nam Bộ.
Là một võ tướng theo Nguyễn Ánh (Gia Long), Lê Văn Duyệt đã lập được nhiều chiến công trong việc đánh giặc Xiêm La, được phong chức Tả Quân. Dưới triều Gia Long và Minh Mạng, Lê Văn Duyệt đã hai lần giữ chức Tổng trấn Gia Định (cai quản cả một vùng đất Nam Bộ ngày nay). Ông lại là người có công giúp vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân đánh đuổi quân Xiêm (1810), và chính ngài Tả Quân đã cho xây dựng thành Nam Vang.
Khi giữ chức Tổng trấn Gia Định, Lê Văn Duyệt đã có công lớn trong sự nghiệp mở mang phát triển nền nông nghiệp của miền Nam Bộ như khai phá đất hoang, làm các công trình thủy lợi, mở rộng giao thông thủy bộ. Chính Ngài đã dâng sớ lên triều đình xin đào kinh Vĩnh Tế (Thoại Ngọc Hầu là người trực tiếp chỉ huy sự thực hiện). Lê Văn Duyệt là vị tổng trấn rất quan tâm đến đời sống của người dân. Ông thường nói với thuộc hạ rằng : Muốn dẹp được loạn trộm cướp không gì bằng nuôi dân no ấm, mà muốn cho dân no ấm không gì bằng cho dân có ruộng đất để làm ra lúa gạo. Một câu nói nôm na bình dị nhưng là một tư tưởng lớn trong công cuộc trị quốc bình thiên hạ.
Lễ Hội Lăng Ông Thượng là để tưởng nhớ đến công ơn của Tả Quân Lê Văn Duyệt, không riêng cho người Việt mà cả người Hoa và người Miên sinh sống trên đất Nam Bộ. Người Hoa ở Nam Bộ tôn sùng đức Tả Quân như Ông Bổn bên Trung Quốc. Họ tôn vinh ngài là « Phò Mã Gia Gia » bởi vì khi Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn đã quan tâm giúp đỡ người Hoa định cư, làm ăn sinh sống trên quê hương tị nạn của họ.
Ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch là ngày giổ của đức Tả Quân, do đó ngày LHLÔT được cử hành từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 3 tháng 8. Có một điều đáng chú ý là ngày LHLÔT lại được tổ chức theo các nghi thức cổ truyền của lễ hội Kỳ Yên, nghĩa là cũng có đủ cáclễ Túc Yết, Chánh Tế, Xây Chầu, Đại Bội. Điều nầy chứng tỏ rằng trong truyền thống dân gian, đức Tả Quân Lê Văn Duyệt là một vị Thần Hoàng. Trong 4 ngày lễ, người người khắp nơi tụ về Bà Chiểu có đến hàng chục vạn người, không phải chỉ có dân Saigon-Gia Định, mà cả dân miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt tỉ lệ người Hoa đi dự lễ rất đông vì họ xem đức Tả Quân trong đòi sống của họ là phúc thần. Sự sùng kính của nhân dân đối với Tả Quân là sự phủ nhận thái độ hiềm khích có tính chất cá nhân của vua Minh Mạng khi kết án Lê Văn Duyệt là 7 tội đáng chém và xiềng lăng của Ngài (sau khi Lê Văn Duyệt đã chết).
Lễ Hội Đền Bà Đen
Nếu Bà Chúa Xứ là một huyền thoại được tạo dựng từ bức tượng đá tìm thấy trên núi Cấm, mà nguồn gốc vẫn chưa biết chính xác, trái lại Bà Đen là một chuyện tích cụ thể trong dân gian ở vùng Trảng Bàng-Tây Ninh.
Chuyện rằng : Dưới thời GiaLong (1802-1819) có một viên quan trấn nhậm tại Trảng Bàng, bắt buộc con gái phải kết hôn với một công tử con của môộ gia đình môn đăng hộ đối. Nhưng cô gái tên là Nàng Đênh không chịu vì cô đã có ý trung nhân là một chàng trai nghèo, mồ côi cha mẹ, và cha mẹ chàng trai nầy lúc sinh thời là người nghĩa khí, ra tay nghĩa hiệp cứu giúp những người bị bọn nhà giàu quyền thế hà hiếp. Biết rõ sự tình, viên quan kia hãm hại chàng trai bằng cách gán tội cho chàng là loạn đảng và bắt giết. Buồn tình, hận tủi, Nàng Đênh bỏ lên núi Mây (Vân Sơn) để tu.
Vân Sơn (tức núi Bà Đen ngày nay) là ngọn núi cao trên 800m, cao nhất ở Nam Bộ. Chung quanh Vân Sơn có nhiều rừng hoang, thú dữ nên người dân không dám đến gần vùng núi đầy nguy hiểm ấy, nhưng Nàng Đênh quyết đến núi vì nghe nói trên núi có một vị nữ tiên hay cứu giúp người và muốn đi thật xa, đến vùng hẻo lánh để cha mẹ không tìm được. Nhưng không may, trên đường lên Vân Sơn, Nàng Đênh bị cọp vồ xé xác chết dưới chân núi Mây, trong hang đá Suối Vàng.
Từ sau khi Nàng Đênh bị cọp xé xác, những « làng rừng » quanh vùng Vân Sơn, đêm đêm nghe tiếng cọp rống đến kinh người, và tiếng roi đánh vun vút hình như có vị thần nào đang đang trừng trị bọn cọp dữ. Rồi đến một đêm, không còn nghe tiếng cọp rống cũng không còn tiếng roi đánh cọp, vùng Vân Sơn không còn con cọp nào lảng vảng nữa. Tiều phu bắt đầu dám vào rừng đốn củi. Dân chúng đồn rằng hồn chết oan của Nàng Đênh đã được T rời Phật siêu độ và được Thượng Đế phong cho chức Linh Sơn Thánh Mẫu,và ngọn Vân Sơn từ nay được gọi là Núi Bà Đen (để khỏi phạm húy, dân gian gọi trại ra là Bà Đen thay vì Bà Đênh).
Lễ hội Bà Đen do đó còn được gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, được xây trên lưng chừng núi cao độ 380m. Đến nay, đền được trùng tu nhiều lần, và từ chân núi đi lên đã làm một con đường bậc thang cho người đi bộ.Lễ hội Bà Đen được tổ chức vào đầu mùa xuân , sau Tết nguyên đán, từ ngày 10 đến rằm tháng giêng.
Hàng năm, đến ngày Lễ hội Bà Đen, dân chúng các tỉnh đến rất đông để đến xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu có đến cả trăm ngàn người.
Xét vể hình thức hành lễ , lễ hội Bà Đen đơn giản hơn lễ hội Bà Chúa Xứ, không có lễ Xây Chầu và hát bội, nhưng có phần trang nghiêm đượm màu sắc cổ truyền, gần gũi với việc thờ phụng các vị thần linh trong dân gian.
Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội cúng Cá Ông (tức cá Voi) là tín ngưỡng dân gian có truyền thống lâu đời của ngư dân miền duyên hải, và của những người đi biển bằng ghe bầu. Lễ hội nầy được tôn danh là LHNÔ (hay lễ hội Nghinh Ông Thủy Tướng).
Có nhiều truyền thuyết về Cá Ông, nhưng truyền thuyết phổ biến nhất là : Cá Ông là muôn mãnh vải của chiếc áo cà sa của Phật Bà Quan Âm được xé ra, quăng xuống biển mà biến thành. Cá Ông có phép « thâu đường » ngắn lại, nên Phật Bà Quan Âm trao cho Cá Ông làm nhiệm vụ cứu người mắc nạn trên biển.
Trương Quốc Dụng trong sách « Thời thực ký văn » cho rằng Khi phong ba nổi dậy, thuyền bị chìm giữa biển, cá Ông thường xuất hiện, đội thuyền trên lưng, đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ lên (nxb Khai Trí, 1967, tr. 225).
Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng có ghi chép lại sự kiện cá Ông đã cứu sống chúa Nguyễn Ánh khi thuyền của ông bị đắm trên đường vượt biển sang Xiêm La, do đó khi lên làm vua, vua GiaLong đã phong cho cá Ông là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần, và các vua kế vị cũng phong sắc thần cho cá Ông là Đại Càng Quốc Gia Nam Hải và xây lăng để thờ.
Tín ngưỡng cá Ông là một niềm tin thiêng liêng tuyệt đối của dân niền biển. Từ niềm tin ấy lại có một truyền thuyết khác về cá Ông lụy (chết) là khi gặp ông lụy là một điều lành. Người phát hiện đầu tiên được xem như là người được Ông tín nhiệm, do đó được vinh hưởng chức « Trưởng nam của Ông » thay mặt dân làng bịt khăn đỏ, chịu tang 100 ngày. Dưới triều Nguyễn, làng nào gặp Ông lụy phải báo ngay cho chánh quyền địaphương để trình lên phủ hay huyện để cho quan sai về khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ (quấn đủ 7 vòng) rồi mới khâm liệm, cấp đất xây lăng và đất hương hỏa để thờ (tục lệ nầy kéo dài tới 1945).
Nghi thức tang lễ dựa vào « Thọ Mai Gia Lễ », sau khi an táng được 3 năm thì cải táng lấy xương cốt Ông để vào quách, đưa vào làng để thờ.
Dọc theo miền duyên hải Nam Bộ, ngư dân đã lập nhiều đền miếu để thờ cá Ông như ở Xuyên Mộc,Phước Tỉnh( huyện Long Đắc), Vũng Tàu, Bà-Rịa, xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Vàm Láng (Gò Công), Bến Tre, Ba Động (TràVinh). Điễn hình nhất là ở 2 nơi : đình thờ cá Ông ở xã Cần Thạnh có bộ xương cá Ông dài đến 12m, và đình thờ ở Vũng Tàu có bộ xương dài tới 25m. Và tọa lạc trong đình làng Thắng Tam có thờ nhiều bộ xương cá Ông lớn nhỏ khác nhau với các sắc thần của vua Thiệu Trị và Tự Đức.
Ngày lễ Nghinh Ông được tổ chức không thống nhất về thời gian giữa các địa phương có thờ cá Ông, vì lễ hội tùy thuộc vào ngày lụy của cá Ông mà địa phưoơg phát hiện được. Thí dụ ở Bình Đại (Bến Tre), lễ hội cử hành vào ngày 16 tháng 6 âm lịch, ở Cần Thạnh và Vàm Láng vào ngày 15 tháng 8, còn ở Thắng Tam thì 16 tháng 8, nhưng nói chung là những tháng có gió bão lớn, nên cá Ông lụy nhiều.
Lễ nghinh ông được tổ chức lớn nhỏ tùy thuộc tài chánh của địa phương, nhưng về nghi thức thì giống nhau.
Lễ Nghinh Ông thường bắt đầu từ rạng sáng. Một đoàn thuyền đã chuẩn bị sẵn để đến đúng giờ là xuất phát ra khơi. Dẫn đầu là một chiếc thuyền lớn, trọng tải từ 20 đến 30 tấn, kết hoa, treo cờ và có bàn hương án, bài vị của « Nam Hải Đại Tướng Quân » (gọi tắt là thủy tướng) có giàn nhạc ngũ âm và một số người biết hát múa, ăn mặc chỉnh tề đi trên đoàn thuyền thường vài mươi chiếc ra khơi để nghinh ông. Dân làng tụ tập đông đảo trên bờ, đánh trống khua chiêng một cách ròn rã. Đoàn thuyền nghinh ông ra khơi đến chỗ qui định thì ngừng lại làm lễ Nghinh Ông. Vị chủ tế thường là chức sắc cao nhất trong làng mặc áo dài đen, chít khăn đóng, chân mang hài ra lịnh gióng ba hồi trống, rồi làm lễ dâng hương,dâng rượu, đọc văn tế kể công đức của Thủy Tướng và khẩn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, biển có nhiều tôm cá… Sau đó, đoàn thuyền quần đảo nhiều vòng để nghinh ông về chứng giám lòng thành của dân miền biển, cho đến khi thấy hiện tượng nước biển xao động và « lên vọi », tức là lúc Ông đã về thì đoàn thuyền mới quay về bến, và thỉnh bài vị của Ông đem về Lăng.
-Tiếp theo sau lễ Nghinh Ông là lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền, nghi lễ nầy cũng giống như các buổi lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền của các buổi lễ khác nghĩa là người chủ tế đọc văn tế, học trò lễ dâng hương, trà, rượu. Điều đặc biệt là trong vật phẩm cúng trong lể Nghinh Ông không được có hải sản và điều khác biệt với lễ Nghinh Ông ở miền Trung thì có hát Bả Trạo (cuộc múa hát diễn ra trên một con thuyền tượng trưng bằng khung tre, lợp vải, không đáy, kể công ơn của Ông và niềm thương nhớ của dân đối với Ông lụ) còn ở trong Nam thì hát bội.
LHNÔ bắt nguồn từ tín ngưỡng bái vật giáo trong lịch sử xa xưa của loài người, rồi dần dần biến sang tín ngưỡng đa nguyên, thể hiện qua truyền thuyết về nguốn gốc cá Ông từ mãnh vải cà sa của Phật Bà Quan Âm, và sắc phong của vua cho cá Ông làm thần để phù hộ dân gian (Thần giáo), và dân miền biển nhớ ơn đức của cá Ông như các bậc tiền nhân (Nho Giáo). Đó là đặc điểm của các tín ngưỡng của người dân Nam Bộ mà các lễ hội truyền thống mang các bản sắc.
Lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 18, 19 và 20 tháng 10 âm lịch để kỹ niệm người anh hùng chống giặc Pháp vào những năm 1861-1886 mà dân gian còn truyền tụng :
Hỏa Hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực có ở nhiều nơi như Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, nhưng đền thờ ở Rạch Giá là lớn nhứt, do đó lễ hội được tổ chức long trọng tại nơi mà nhà anh hùng đã hy sinh.
Lễ Hội Thánh Địa Hòa Hảo ở làng Hòa Hảo (An Giang)
Hàng năm vào ngày 18 tháng 5 âm lịch là ngày kỷ niệm thành lập đạo Hòa Hảo (18-5-1941). Đây là lễ hội của một tôn giáo mới thành hình chỉ hơn nửa thế kỷ nhưng đã nhanh chóng ăn sâu vào truyền thống dân gian của dân miền Tây Nam Bộ. Vào mùa lễ hội, hàng trăm ngàn tín đồ Hòa Hảo từ khắp nơi tụ tập về thánh địa để tưởng nhớ giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã bị Cộng Sản hãm hại và hun đúc tinh thần từ vì đạo.
Lễ Hội « Chol Chnam Thmay » và « Or Ang Bok » của người Khmer Nam Bộ
Lễ hội Chol Chnam Thmay là ngày Tết truyền thống (ăn mừng năm mới) của dân Khmer được tổ chức vào giữa tháng 4 âm lịch (4 ngày) dể rước thần Thevada, vị thần cai quản thiên hạ, giúp đỡ người tốt, trừng trị kẻ xấu (theo thần thoại Bà La Môn).
Lễ hội Or Ang Bok là lễ chào mừng mặt trăng, được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Lễ nầy thường có tổ chức đua ghe « ngo » là một đặc điểm mang tính chất truyền thống nhằm biểu lộ tinh thần vui khỏe trong lao động sản xuất và cầu thần mặt trăng giúp cho nông dân trúng mùa năm tới.
Theo (namkyluctinh.org)