==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Tục thờ Thông Thiên ở Miền Tây là một tín ngưỡng thờ Trời phổ biến ở Nam Bộ nói chung và Miền Tây nói riêng. Theo tín ngưỡng dân gian, Trời được xếp trước Phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự “Trời – Phật – Thánh – Thần”, nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà.

Ở Nam Bộ nói chung và Miền Tây nói riêng, hình thức thờ Trời được thể hiện bằng bàn Thiên được đặt trước cửa nhà – là nơi gởi gắm những ước nguyện của con người đến đấng trời cao. Bàn Thiên ở Nam Bộ nói chung và Miền Tây nói riêng rất đơn giản, chỉ là một cây cột gỗ cắm xuống giữa sân, trên đó có đặt một tấm ván hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trên tấm ván đó, người ta đặt một lư hương, vài chung rượu chén trà, một dĩa trái cây.

Tục thờ Thông Thiên ở Miền Tây

Trụ cột thường “cao độ 1,50m (bằng gỗ hoặc bằng gạch), trên có bệ thờ vuông, với thức cúng đơn giản: một lọ cắm nhang, một lọ hoa, ba chung nước lã, có nơi thêm vào một lọ gạo và một lọ muối. Bàn Thiên thường được dựng trước sân nhà; nếu sân đất, người ta tráng xi-măng hoặc lót gạch khoảng một thước vuông chung quanh bàn Thiên; ở vùng thị tứ, chợ búa, bàn Thiên có khi đặt trên sân thượng. Mỗi tối gia chủ thắp nhang khấn nguyện Trời Đất rồi xá bốn phương”. Tuy đơn giản là thế, bàn Thiên ở Miền Tây đã chứa chấp trong đó biết bao tình cảm thiêng liêng của con người đối với đấng bề trên, nó là nơi con người gởi gắm bao ước mơ cao đẹp của mình lên đấng trời xanh, ngõ hầu mong muốn có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Bàn Thiên còn gắn với nét văn hóa tâm linh của những người dân miệt vườn đã hàng trăm năm khai phá cùng mùa khô nắng cháy và mùa mưa nước lũ tràn lan của thiên nhiên thời buổi đầu còn rất hoang sơ.

Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình. Bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa Trời và Đất, giữa người sống và người đã khuất. Điều này thể hiện bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày, vào lúc chập tối – là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, nén nhang được cắm trên lư hương – nơi ở giữa Trời và Đất.

Hiện nay, nhiều địa phương ở Miền Tây vẫn còn giữ tục lệ này, nhất là những vùng nông thôn. Quan sát bàn thờ Thông Thiên có thể nhận thấy sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là triết âm – dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông – tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Lạc Việt.

Tục thờ Thông Thiên ở Miền Tây

Tục thờ Thông Thiên ở Miền Tây
73 8 81 154 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==