Châu Đốc là một thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, Việt Nam, nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, sát biên giới Việt Nam với Campuchia. Châu Đốc là thành phố đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long không phải là tỉnh lỵ của một tỉnh vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, Châu Đốc lại từng là tỉnh lỵ của tỉnh Châu Đốc cũ vào thời Pháp thuộc trước năm 1956 và trong giai đoạn 1964-1975 dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Đặc biệt, Châu Đốc lại là lỵ sở của toàn bộ tỉnh An Giang vào thời nhà Nguyễn độc lập. Địa bàn tỉnh An Giang khi đó bao gồm tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, một phần tỉnh Đồng Tháp và một phần tỉnh Bạc Liêu ngày nay. Hiện thành phố Châu Đốc đang là đô thị loại 2.
Đơn vị hành chính
Thành phố Châu Đốc nằm trên bờ sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 245 km về phía tây, nếu chạy xe buýt mất khoảng 6 tiếng.
- Phía bắc thành phố giáp huyện An Phú.
- Phía đông giáp huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu.
- Phía nam giáp huyện Châu Phú
- Phía tây nam giáp huyện Tịnh Biên và biên giới với Campuchia.
Ngày 1 tháng 9 năm 2007, thị xã Châu Đốc được Bộ xây dựng công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh An Giang. Ngày 19 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành nghị quyết số 86/NQ-CP về việc thành lập phường Vĩnh Ngươn thuộc thị xã Châu Đốc và thành lập thành phố Châu Đốc trực thuộc tỉnh An Giang. Ngày 2 tháng 9 năm 2013, Thành ủy, Uỷ ban Nhân dân thành phố Châu Đốc đã tổ chức Lễ công bố nghị quyết về việc thành lập thành phố Châu Đốc trực thuộc tỉnh An Giang.
Ngày 15 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành quyết định số 499/QĐ-TTg, công nhận thành phố Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.
Thành phố Châu Đốc có 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 5 phường và 2 xã:
- Phường Châu Phú A
- Phường Châu Phú B
- phường Núi Sam
- Phường Vĩnh Mỹ
- Phường Vĩnh Ngươn
- Xã Vĩnh Châu
- Xã Vĩnh Tế
Kinh tế
Kinh tế Châu Đốc tăng trưởng nhanh và mạnh.Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố Châu Đốc đạt 16,10%, thu nhập bình quân đầu người trên 35,36 triệu đồng, tổng vốn đầu tư phát triển gần 2.720 tỷ đồng, lĩnh vực thương mại - dịch vụ - hành trình tiếp tục phát huy thế mạnh, với mức tăng trưởng đạt 18,01% và chiếm 70,47% tỷ trọng cơ cấu kinh tế địa phương. Ngoài ra, thành phố cũng tập trung phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phường Vĩnh Mỹ, Vĩnh Châu,...
Thương mại-dịch vụ
Với tiềm năng là một thành phố nên thương mại-dịch vụ của thành phố là một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thành phố. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, các trung tâm mua bán phân bố rộng khắp trên địa bàn thành phố. Hàng hóa phân bố rộng khắp đến các địa bàn trong thành phố. Dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng phát triển,với một chuỗi các khách sạn, nhà hàng lớn như Victoria Châu Đốc (4,5 sao), Victoria Núi Sam (3 sao), Châu Phố (3 sao), Bến Đá (3 sao), Đông Nam (2 sao), Song Sao (2 sao), Trung Nguyễn (2 sao), Hải Châu (2 sao)...
Đây không phải là một ngành trọng điểm của thành phố nhưng cũng đóng góp một phần vào sự phát triển của thành phố. Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành phố quan tâm đầu tư và phát triển đã giải quyết một phần cho lao động nhàn rỗi nông thôn.
Nông nghiệp
Đây là một ngành đã hình thành và phát triển từ rất lâu đời ở thành phố. Loại hình nông nghiệp đô thị là một thế mạnh của thành phố. Các cánh đồng đã được cơ giới hóa trong công tác trước, trong và sau thu hoạch do đó năng suất không ngừng tăng và chất lượng nông phẩm cũng tăng lên.
Di tích lịch sử - Văn hóa
Châu Đốc có khu danh thắng Núi Sam, với nhiều lịch sử - Văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo khách thăm quan đến tham quan, cúng bái. Bên cạnh đó, vùng đất giàu truyền thống này cũng từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng, như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Doãn Uẩn,...và những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương cho Việt Nam.
Các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Châu Đốc gồm :
- Lăng Thoại Ngọc Hầu
- Lăng Thoại Ngọc Hầu (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
- Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
- Chùa Phước Điền (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
- Chùa Tây An (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
- Đình Châu Phú (đường Trần Hưng Đạo, phường Châu Phú A).
Tôn giáo
Gồm có Phật giáo,Công Giáo, Đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hồi Giáo.
Giao thông vận tải
Thành phố Châu Đốc có hơn 15 km Quốc lộ 91 chạy ngang. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định cho nâng cấp tỉnh lộ 956 tại An Giang (nối Châu Đốc - Long Bình) lên thành quốc lộ 91C . Đây là một thuận lợi để thành phố giao lưu, buôn bán với các địa phương trong tỉnh, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia. Ngoài ra, còn có tuyến đường vành đai chạy qua ngoại ô. Khu vực trung tâm thành phố và khu Thương mại Dịch vụ (phường A, phường B,p hường Núi Sam) có hệ thông giao thông nội ô tương đối hoàn thiện.
Thành phố có các tuyến đường nội ô gồm: Lê Lợi, Nguyễn Văn Thoại, Thủ Khoa Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Bạch Đằng, Chi Lăng, Trưng Nữ Vương, Phan Văn Vàng, Núi Sam-Châu Đốc, Phan Đình Phùng, Hậu Miếu Bà, Cử Trị, Quang Trung.
Quy hoạch giao thông Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nội ô,nâng cấp, mở rộng, nối dài các tuyến đường trong trung tâm thành phố. Thành phố sẽ nâng cấp Quốc lộ 91 từ 4 làn xe lên 10 làn xe.Quy hoạch tuyến N1 nối kết thành phố với các tỉnh,thành khu vực Nam Bộ. Trong tương lai gần sẽ có tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Khánh Bình đi qua thành phố.
Nguồn Wikipedia.