Nếu khách thăm quan có dịp đi về các huyện như Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, đâu đâu cũng thấy cây thốt nốt. Cây thốt nốt là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Khờ-me Nam bộ, và cũng là cây đặc sản của vùng Thất Sơn huyền bí nầy. Món chè thốt nốt nơi đây là một thức uống giải khát hảo hạng trong những ngày thời tiết nóng bức.
Cây thốt nốt trông xa tựa cây dừa, nhưng thân cây to và cao, lá xòe tán rộng như lá cọ. Mùa vụ thốt nốt bắt đầu khoảng từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch. Trái thốt nốt kết thành từng chùm, trái to tròn cỡ trái dừa xiêm, vỏ màu tím sậm. Ruột trái có những ngăn múi khoảng 4 – 5 múi, được phủ bên ngoài một lớp vỏ lụa mỏng, bên trong có cơm dầy màu trắng, mềm dẻo giống như cơm trái dừa nước nhưng thơm ngon hơn.
Đặc sản từ cây thốt nốt rất phong phú. Ngoài cơm trái, còn có nước thốt nốt tươi hoặc lên men để giải khát, đường thốt nốt, chè đậu xanh thốt nốt, và bánh thốt nốt... Món chè đậu xanh thốt nốt là một trong những “món chè đặc trưng”, gây ấn tượng nhiều trong lòng khách thăm quan vì ngon và lạ.
Để có được chén chè thốt nốt ngon mát, phải rất kỹ trong khâu chọn nguyên liệu. Những trái thốt nốt già, cứng được bỏ ra vì chúng sẽ bị nhạt, cứng, làm mất vị mềm mại của chén chè. Làm món chè đậu xanh thốt nốt tương đối đơn giản. Chỉ cần cho đậu xanh đãi vỏ vào nồi nấu mềm, thêm vài tán đường đường thốt nốt vào vừa khẩu vị. Sau cùng, cho cơm thốt nốt, nấu mềm. Nhớ làm thêm chén nước cốt dừa đậm đặc nữa. Khi múc chè ra chén ăn, chan nước cốt dừa lên là xong.
Món chè thốt nốt thật sự ngon khi được nấu cùng đậu xanh, nước cốt dừa và đường thốt nốt. Cái dẻo, mềm của cùi thốt nốt hòa quyện với vị béo, ngọt của nước cốt dừa, của đậu xanh cùng cái ngọt thanh của đường tạo nên một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại. Lữ khách không nên bỏ qua món ăn này khi đến với miền Tây.