Lịch sử Miền Tây, thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn : Nam Bộ xưa được gọi là xứ Đồng Nai. Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định. "Đất Nông Nại" hay "phủ Gia Định" khi ấy gồm chung cả Nam Bộ. Tháng 8 mùa thu năm Giáp Ngọ (1714), vua phong cho một người ở Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Theo sách Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu thì năm Mậu Tý 1708, chúa Minh trao cho Mạc Cửu chức Tổng binh Hà Tiên.
Mùa xuân năm Nhâm Tý (1732), khổn súy Gia Định chia đất ấy lập làm châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ (tục gọi là dinh Cái Bè). Năm Bính Tý (1756), Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh tâu xin chuẩn hứa cho y (Nặc Ong Nguyên) chuộc tội, lấy đát hai xứ Xoài Rạp, Tầm Đôn (có lẽ là vùng Gò Công và Đồng Tháp Mười ngày nay)bổ sung vào châu Định Viễn để cho hoàn toàn biên giới.
Năm 1757, nhận hiến thêm hai đất Trà Vinh và Ba Thắc và vùng Tầm Phong Long. Nhân đó, Nguyễn Cư Trinh tâu xin dời dinh Long Hồ qua xứ Tầm Bào. Lại đem xứ Sa Đéc đặt làm đạo Đông Khẩu, xứ Cù Lao ở Tiền Giang đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu Đốc ở Hậu Giang đặt làm đạo Châu Đốc. Thế là chỉ trên nửa thế kỷ (1698-1757), các chúa Nguyễn đã đặt xong cơ sở hành chính trên khắp địa bàn Nam Bộ. Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi 1779, Nguyễn Ánh cho họa địa đồ chia cắt địa giới 3 dinh Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định) và Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang) cho liên lạc nhau. Nhân đó, lấy địa bàn tọa lạc tại xứ Mỹ Tho đặt làm dinh Trường Đồn, để lỵ sở Giồng Cai Yến.
Vậy là cuối thế kỷ XVIII, toàn Nam Bộ chia ra 4 dinh: Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ, Trường Đồn và trấn Hà Tiên (coi như 5 đơn vị tỉnh ngày nay). Năm Canh Thân (1800), đổi Gia Định phủ làm Gia Định trấn gồm dinh Phiên Trấn, dinh Trấn Biên, dinh Vĩnh Trấn (Long Hồ), dinh Trấn Định (Trường Đồn) và trấn Hà Tiên.
Thời nhà Nguyễn độc lập :
- Trước năm 1832 : Ngày 12 tháng 1 năm Mậu Thìn (1808), đổi Gia Định trấn làm Gia Định thành. Gia Định thành cai quản 5 trấn ở trong nam là Phiên An (Phiên Trấn cũ), Biên Hòa (Trấn Biên cũ), Định Tường (Trấn Định cũ), Vĩnh Thanh (Vĩnh Trấn cũ) và Hà Tiên, lại kiêm quản thêm trấn Bình Thuận ở phía bắc Biên Hòa. Trong đó, địa bàn toàn bộ các trấn Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên và một phần trấn Phiên An cùng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.
- Sau năm 1832 : Vua Minh Mạng năm 1832 đã đặt ra Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh hay Lục tỉnh[5]. Đó là các tỉnh: Phiên An, năm 1836 đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn), Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa), Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông; Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long), An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc) và Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây. Trong số 6 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ thì có 4 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ) ngày nay, bao gồm: Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Ngòai ra, một phần đất đai của tỉnh Gia Định lúc bấy giờ cũng nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tương đương với một phần các tỉnh Long An và Tiền Giang (vùng đất Gò Công) ngày nay. Thượng và hạ lưu của sông Vàm Cỏ Tây (cho tới đoạn ngã ba sông Bảo Định), cùng với sông Bảo Định là ranh giới giữa hai tỉnh Gia Định và Định Tường.
Hết phần 1.