Lễ Ok Om Bok còn gọi là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp" của dân tộc Khmer Nam Bộ, được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch hàng năm.
Lễ hội Ok Om Bok là lễ hội lớn nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Người Khmer làm lễ Cúng Trăng nhằm cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được hưởng hạnh phúc. Đối với người Khmer, mặt trăng được xem như một vị thần điều tiết mùa màng, phù hộ cho dân làm kinh tế khá giả trong năm, nên trong ngày này, mọi nhà đều tham gia lễ Cúng Trăng. Lễ hội thường diễn ra tại các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng…, nơi đồng bào dân tộc người Khmer sinh sống đông đúc.
Để chuẩn bị Lễ vật Cúng Trăng gồm cốm dẹp, khoai lang, khoai môn, trái cây, bánh kẹo... bà con phum sóc chuẩn bị cả tháng trước khi diễn ra lễ hội. Người Khmer lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật Cúng Trăng.
Tiếp theo là việc dựng cổng tre, trúc. Cổng được làm bằng hoa lá với 2 cây tre, trúc làm trụ và lá dừa làm vòm ngang. Phía trên cổng, người Khmer giăng một dây trầu 12 lá được cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng trúc, các lễ vật Cúng Trăng được đặt ngay ngắn để tỏ lòng thành kính dâng tới thần Mặt Trăng.
Công việc chuẩn bị lễ vật hoàn tất, vào đêm 14 trăng tròn hoặc 15 khi trăng lên cao (ngày chính của Lễ hội), dân làng tập trung ở sân chùa hoặc sân nhà, hướng về phía mặt trăng để làm lễ. Lễ có sự tham gia của cả người cao tuổi và trẻ nhỏ. Chủ lễ là người cao tuổi nhất trong phum, sóc hoặc trong nhà khấn vái bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với thần Mặt Trăng, xin thần Mặt Trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt.
Sau khi cúng xong, chủ lễ sẽ đút cốm dẹp cho các em nhỏ và vỗ nhẹ vào lưng vài lần đồng thời hỏi những mong muốn của các em. Người khmer tin rằng, các ước muốn của trẻ nhỏ sẽ là niềm tin và động lực cho người lớn vào năm tới.
Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, nghi lễ Cúng Trăng xong cũng là lúc các hoạt động phần hội được bắt đầu, đặc sắc nhất là tục đua ghe ngo. Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước, sau mùa gieo trồng về với biển cả, cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ rằng thần rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông.
Đua ghe Ngo diễn ra tưng bừng và náo nhiệt với sự tham dự của rất đông người dân và khách thăm quan. Các đội đua đến từ nhiều địa phương trong tỉnh hoặc trong khu vực. Thông thường, các đội tham dự sẽ được chia thành 2 nhóm: nhóm đã được xếp hạng từ mùa giải trước và các nhóm còn lại. Ghe Ngo dài khoảng 22-24m, ngang 1,2 m, có từ 50 đến 60 tay bơi. Ngày nay, do không còn thân gỗ độc mộc lớn để làm nên ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Mũi và lái của ghe đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Dưới lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (đonxanh tuôk) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt khi bơi.
Dưới sông các đội đua hăng say thi đấu, trên bờ là tiếng reo hò cổ vũ huyên náo của người dân cùng với tiếng cồng chiêng, hát, hò…, đã tạo nên một không khí lễ hội đặc biệt ấn tượng, đua ghe Ngo trở thành một sự kiện văn hóa, thể thao mang tính truyền thống của người dân Khmer.
Ngoài đua ghe Ngo, phần hội còn nhiều hoạt động khác như: Chơi cờ ốc; Bi sắt; Múa Răm Vông và Thả đèn nước, những chiếc đèn được làm bằng thân và bẹ chuối, có cấu tạo như ngôi đền, trang trí hoa văn màu sắc sặc sỡ. Đầu đèn có treo cờ phướn, xung quanh cắm đèn cầy và nhang, bên trong có bày các thức cúng để tụng kinh tưởng nhớ đức Phật, đồng thời xin lỗi thần Đất, thần Nước vì làm ô uế, dơ bẩn nguồn nước, đào xới đất nơi đây.
Với những nghi lễ mang đậm văn hóa truyền thống và những hoạt động hội giàu bản sắc của đồng bào Khmer miền Tây Nam Bộ, Mùa Ok Om Bok chắc chắn sẽ thu hút đông đảo bà con người Khmer, Lữ khách trong nước và quốc tế tham dự