Ở đây mỗi lần tới đám giỗ, con cháu khắp nơi đều ráng về nhà trước ngày đám giỗ vài ngày để cùng quây quần chuẩn bị. Nếu bạn đã từng dự đám giỗ, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng nhất thứ tình cảm gia đình, tình bà con chòm xóm và thứ văn hóa hào sảng, phóng khoáng của người địa phương. Thế mà, đôi khi lại bị nói là phung phí, là bày vẽ mới ngộ chứ. Có không héng? Ai mà biết! Với tôi, đám giỗ ở nơi đây là văn hóa, một văn hóa đẹp.
Đám giỗ, trước đó cả tháng, ngoại tôi dặn mấy dì để dành gà vịt, heo. Ngoại đi chợ kiếm đúng loại bột Sa Đéc mua về để sẵn. Trước một ngày, ngoại kêu đi cắt lá chuối, phơi nắng cho lá dẻo, để gói bánh ít. Hồi đó, chưa có loại đậu xanh cà vỏ sẵn, nên phải ngâm đậu xanh bình thường, đãi vỏ, hấp chín, tán nhuyễn, rồi mới xào làm nhân bánh ít. Nhân dừa phải dùng dừa rám, nạo bằng cái bàn nạo bằng sắt. Bạn có biết cái bàn nạo này không? Trái dừa chặt làm đôi, lấy nước để riêng, cái bàn nạo để trên ván hay ghế đẩu cho de cái đầu nạo ra ngoài, dùng chân đạp lên cái thanh sắt, hứng cái thau ở dưới, rồi cầm từng nửa trái dừa dùng tay mà nạo. Dừa nạo xong được sên với đường và đậu phộng rang đăm nhỏ. Buổi tối trước ngày đám giỗ là lúc gói bánh ít. Nhà ngoại tôi mỗi lần làm đám giỗ là làm tới năm, sáu mâm, chỉ có bà con trong nhà và hàng xóm gần nhà. Ngoại nói, mỗi nhà phải làm chừng chục cái bánh ít, để cầm về làm quà cho con nít ở nhà. Bởi vậy, phụ nữ trong nhà ngồi gói bánh ít từ chiều tới tối. Bánh chín, xếp hết ra sàng là nghe gà gáy đợt đầu.
Bộ ván (hay bộ ngựa) là thứ hầu như gia đình miền Tây nào cũng có, người ta ăn cơm trên đó, nằm ngủ trên đó, “quánh” bài từ sắc trên đó, mấy ông sương sương vài xị cũng trên đó, con nít quậy phá bị bắt nằm cúi chờ đánh đòn cũng trên đó. Đồ múc ra tô dĩa, chuẩn bị dọn lên cúng cũng được để lên ván, ngoại coi coi đủ món hay chưa rồi mới bưng lên bàn thờ, đốt nhang mời ông bà về ăn. Tô, dĩa, chén sau một thời gian dài nằm trong tủ, được đem ra rửa sạch và cũng được “diễu binh” trên ván trước khi “xuất trận” trong ngày đám giỗ. Dĩ nhiên, gói bánh ít cũng ở trên bộ ván đó luôn. Thau bột được để chính giữa, kế bên là một mâm đựng nhân đậu và nhân dừa đã vo viên tròn, vài chén dầu để cầm bột không dính, mấy xấp lá chuối đã phơi, được xé làm hai cỡ, cỡ lớn để gói, cỡ nhỏ để lót. Gói bánh ít tưởng khó, chớ cũng không khó lắm. Trước tiên là ngắt một cục bột, vê tròn rồi đánh mỏng ra, lấy một viên nhân bỏ vô giữa, lại vê tròn giống như làm chè trôi nước. Thấm một chút dầu vô tay, xoay cái bánh ít trong tay vài vòng cho thấm dầu, lấy một cái lá chuối, xoắn hình cái quặng (phễu), bỏ cái bánh vô trong bẻ gập hai mép lá và gói lại. Nếu là bánh đậu thì xé đuôi lá một cái để làm dấu. Bánh gói xong xuôi được xếp vô xửng và đem hấp. Bánh dừa khi chín thường có màu xanh trong của lá, bánh đậu có màu hơi ngả vàng như màu trà.
Ngoài món bánh ít là món phải có của đám giỗ miền Tây, những món còn lại thay đổi theo từng nơi. Nhà ngoại tôi thì phải có món bì cuốn, thứ bì cuốn bằng bánh tráng bự như cái mâm, mười cuốn như vậy được cuốn chung lại với nhau, sau đó thì cắt khúc vừa ăn, dọn lên dĩa thật là đẹp. Nhà ngoại cũng hay làm heo quay ăn với banh bao nhỏ chiên, bánh hỏi hoặc xôi. Gà thì thường được nấu cà ri và nấu cháo. Vịt thì đem nướng hay nấu chao. Còn có các món chè nữa, ngoại tôi hay nấu đậu trắng. Món ăn đám giỗ thường là những món ngày thường ít nấu, chứ không hẳn là món thiệt là đặc sắc của miền Tây. Cái chính là dịp bà con hàng xóm gặp nhau, ngồi lại dùng chung bữa cơm và hàn huyên đủ chuyện xưa nay. Mấy bà thì vừa gói bánh ít, cuốn bì cuốn vừa nói chuyện giá cả, chuyện con cái, chuyện đi coi mắt con dâu, bàn xem nên ưng đám nào. Mấy ông thì ngồi rề rà rượu đế, nhắc cái thời trai trẻ hồi xưa, bàn chuyện thời sự hôm nay, hỏi han nhau chuyện làm ăn, dự định sắp tới. Đám giỗ còn là dịp bà con trong họ dẫn con dâu con rể, đứa con, đứa cháu mới đi xa về (hoặc chuẩn bị đi xa) đi chào mấy cô mấy bác. Hay chỉ là cái cớ để mấy người xa quê về nhà ở lại nhà tổ lâu lâu một chút, gặp được nhiều người lâu rồi hông gặp, nhắc lại “tuổi thơ ban đầu” với đám bạn già hồi nhỏ.
Rất lâu rồi, tôi không có dịp dự đám giỗ miền Tây, để trải nghiệm lại cái tất bật khi chuẩn bị, khi mệt lả người chạy ra chạy vô dọn mâm rửa chén vì bà con tới ăn giỗ từ sáng tới chiều tối, nhiều khi qua tới ngày hôm sau. Đám giỗ miền Tây là vậy, kéo dài mấy hôm liền từ khi chuẩn bị tới ngày cúng chính rồi kéo dài sang vài ba ngày sau là chuyện thường. Nhớ cái náo nhiệt của những ngày đầu, hay cái giòn giã, sáng khoái của tiếng cười nói lúc nhập tiệc. Nhớ cả sự bịn rịn khi chủ nhà trao cho khách bịch bánh ít làm quà cho đám nhỏ ở nhà, và dặn dò “Năm sau là phải có mặt nữa đó nghen chú Ba, dẫn theo thằng Tèo, con Tí nữa nha hông”.
Đám giỗ bây giờ chắc không được như xưa, nhưng nếu có người miền Tây nào rủ bạn về quê ăn đám giỗ, nhớ đừng từ chối nghen hông! Đi đi, biết đâu bạn sẽ thấy, sẽ nghe tự nhiên trong xóm có tiếng vọng ra hỏi một anh ôm con heo con đi ngang “Bây đem heo đi đâu đó”. Rồi anh kia sẽ đáp lại là “Đem ra chợ nhờ họ quay, mai nhà còn đám giỗ, thím ghé chơi”. (Chớ hông phải giọng Trung Dân nói “dao thớt để ngoài này nè má ơi” đâu à nghen).
Tác giả: Ngô Thanh Thiên