==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, tết đến, người dân lại lo toan chuẩn bị đón tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, làm lễ cúng ông bà, mừng thọ cha mẹ, chúc an anh em họ hàng trong thân tộc được mạnh khỏe, sống lâu, phát tài, phát lộc

Ở đồng bằng sông Cửu Long, những cơn mưa dầm những ngày cuối năm thưa dần, bước vào tháng chạp âm lịch, khi trời se se lạnh, gió chướng rao ngọn trên những hàng cây, là lúc mọi người rộn rã trong lòng chuẩn bị đón xuân. Dù ai ở đâu, làm gì trong xã hội, với những ngày này cũng phải trở về sum họp gia đình, làm tròn bổn phận của mình với tổ tiên, cha mẹ, với người thân ruột thịt qua các tục lệ như lễ cúng ông Táo, lễ giao thừa, chúc tết, mừng tuổi, thăm hỏi họ hàng…

Về Miền Tây Ăn Tết - Ảnh 1

Mồng một Tết mẹ, Tết cha

Mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy

Về Miền Tây Ăn Tết - Ảnh 2

Cứ tết đến, mỗi gia đình đều chuẩn bị “món ngon, vật lạ”, người dân miền Tây với chuyện lo ăn, mặc họ rất thích hàng chợ còn các món ăn được chế biến ở gia đình, tùy khẩu vị của mỗi nhà. Thức ăn uống ngày tết ở miền Tây rất phong phú. dân miền Tây thường làm một hũ cải chua, một keo tỏi hành ngâm giấm ăn kèm với thịt; đặc biệt ưa thích nhất là món tôm khô củ kiệu, dưa kiệu được làm sạch, phơi khô, để nguyên ngâm trong nước giấm cho vào một ít đường, để càng lâu càng thấm, cùng với món “dưa” thịt heo luộc ngâm nước giấm đường. Tương ớt cũng không thể thiếu trong bữa ăn gia đình. Dân khoái nhậu dự trữ thêm một mớ khô cá lóc, cá sặc rằn, cá khoai… để khi có bạn nhậu đến đem nướng, kèm theo chén mắm me lai rai… đến ra giêng. Bên cạnh đó, hầu như nhà nào cũng có sẵn các loại bánh ngọt, các loại mứt me, mứt bí, mứt gừng, mứt dừa… , trái cây cam, quýt, vú sữa, măng cụt, xoài, nhất là mỗi nhà đều phải có dưa hấu để chưng trên bàn thờ gia tiên và đãi khách.

Về Miền Tây Ăn Tết - Ảnh 3

Mùa xuân là mùa của trăm hoa đua nở nên người trồng phải lo từ nhiều tháng trước, chủ yếu là cây mai và vạn thọ. Nhà nào cũng chăm chút vài cây mai trước ngõ, trồng đại trà trên công đất (1.000m2) để bán cho những cơ sở làm mai kiểng (bonsai). Những nghệ nhân bon sai thu gom những gốc mai về “uốn nắn” lại cho ra kiểu dáng “phụ tử”, “phu thê”… hoặc ghép nhiều màu trên một cây (hồng mai, huỳnh mai…) hoặc lai tạo ra một loại hoa mới có mấy chục cánh trông như hoa cúc rất đẹp. Đây là loại mai sang trọng, rất đắt giá, có giá trị bằng vàng.

Về Miền Tây Ăn Tết - Ảnh 4

Ngày Tết nhà nào cũng có một ít bánh tét, bánh ít, bánh thử, để cúng tổ tiên ông bà. Bánh tét có nhân thịt heo nạc, chuối xiêm, bên ngoài nếp xào với nước cốt dừa gói bằng tàu lá chuối thành thỏi dài và buộc chặt lại bằng sợi lạc hoặc cọng thân chuối phơi khô. Tùy nhân khẩu từng nhà mà gói theo cỡ to hay nhỏ. Đêm giao thừa là đêm thiêng liêng, mọi người rủ nhau đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm mới, nhất là giới nữ cầu nguyện chuyện làm ăn, thăng quan tiến chức, sức khỏe… Ngoài việc cầu mong tự đáy lòng mình, mọi người xin lộc, có thể một nhánh hoa, ít trái cây, ít gạo được đất trời ban cho, sau đó mang về nhà.

Sáng mùng một Tết, anh chị em trong gia đình tề tựu trước bàn thờ ông bà để mừng tuổi, chúc thọ cha mẹ, các bậc trọng tuổi trong gia tộc, gia đình và nhận phong bao lì xì.

Khách đến thăm nhà đầu năm người dân miền Tây gọi là “xông đất” hoặc “đạp đất” là tục lệ đã có từ xa xưa. Theo phong tục này, sáng mùng một người ta không mở cửa ngõ sớm để tránh những người không xứng đáng, hay đúng hơn là không phải người mình cầu mong, đến đạp đất trước tiên tại nhà mình vào ngày đầu năm mới. Thông thường người ta mời trước một vị có tuổi, có tư cách đàng hoàng, chững chạc, tính tình hòa nhã, hoặc người có địa vị, danh vọng, gia đình ăn nên làm ra, đến xông đất cho nhà mình. Người ta quan niệm rằng, được người tử tế đến xông đất thì cả năm đó gia đình mình sẽ được may mắn, hạnh phúc, làm ăn phát tài phát lộc. Ngược lại, rủi có người tư cách tầm thường, góa vợ, đang mắc nợ nần… đến xông đất, thì gia đình coi năm ấy là năm bỏ đi là năm làm ăn không phát tài phát lộc và sẽ gặp những chuyện không may.

Gặp nhau là mời ăn, mời nhậu đến hết ba ngày xuân. Sáng mùng ba tết cúng tất “tiễn đưa ông bà” đánh dấu ngày tết kết thúc, gia đình cúng con gà trống, nấu cháo, đem con gà xé khoai, trộn bắp chuối, rau thơm, rau răm… Sau đó lấy giò gà xem móng, vảy để đón thời vận trong năm.

Đón Xuân chúc tụng, ăn uống… trong ba ngày Tết là nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân miệt vườn trái cây, sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn:cpv.org.vn

Về Miền Tây Ăn Tết,ve mien tay an tet

Về Miền Tây Ăn Tết,ve mien tay an tet
77 8 85 162 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==